8/12/09

Atlas quốc gia, chuyện bây giờ mới kể

Là thành quả của gần 300 nhà khoa học Việt Nam trong suốt 20 năm, cuốn Atlas quốc gia được phát hành vào năm 1996 rồi sau đó bị "bỏ quên" trong thư viện.

Kỳ 1: Gian nan đường đến thành công

Nhắc đến câu chuyện ra đời của Atlas Việt Nam, những người gắn bó từ những ngày đầu manh nha ý tưởng ra đời Atlas cũng không khỏi chạnh lòng.

Lần theo hành trình ra đời của Atlas, mới thấy được công sức của các nhà khoa học và cũng phần nào cho thấy những điều không nên có trong nghiên cứu khoa học.

Đầu không xuôi, đuôi khó lọt

Ông Nguyễn Thơ Các, khi đó là Giám đốc Xí nghiệp Bản đồ, thành viên nghiên cứu Chương trình Atlas quốc gia Việt Nam hay còn gọi là Chương trình 48-03 cho biết, năm 1976, khi đặt vấn đề triển khai, có người cho rằng phải lấy Atlas quốc gia để tiến hành điều tra cơ bản toàn bộ cả nước trong vòng 20 năm. Người lại cho rằng quá trình phát triển đất nước luôn vận động, thay đổi do vậy có đến đâu cần làm đến đó và có cập nhật định kỳ. Chỉ vì đắn đo giữa hai quan điểm này mà mãi đến cuối năm 1985, Atlas mới được bắt tay thực hiện.

Cố giáo sư Nguyễn Văn Chiển bên công trình Atlas Quốc gia mà ông là Chủ nhiệm chương trình.

Công việc triển khai cũng không được “xuôi chèo, mát mái” vì phải tập hợp hàng trăm lĩnh vực khác nhau, mỗi người một ý. Có những lúc tưởng chừng như không thể triển khai tiếp được vì một số chuyên đề không làm theo yêu cầu ban đầu và một số nhà khoa học muốn “ngãng ra”.

Sau nhiều cố gắng, năm 1987, về cơ bản Atlas cũng được hoàn thành. Đến lúc này một vấn đề mới lại nảy sinh. Có người “mách nước” với nhóm nghiên cứu rằng, có lẽ bảo vệ nghiên cứu ở trong nước sẽ gặp nhiều khó khăn vì nhiều người tỏ ra “khó chịu” với chương trình này. Cần phải lấy ý kiến phản biện của các chuyên gia thuộc Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô trước khi bảo vệ ở Việt Nam. Thật may vì các nhà khoa học quốc tế đánh giá rất cao công trình nghiên cứu này.

Và cũng từ đây, hành trình xây dựng Atlas lại có vấn đề mới. Chuyện là, các nhà khoa học thuộc Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô cũng muốn cùng đứng tên trong công trình. Trong khi, một số nhà khoa học Việt Nam không đồng ý vì đây là công trình mang tầm vóc quốc tế và hoàn toàn do các nhà khoa học Việt Nam làm, nên chỉ có nhà khoa học Việt Nam đứng tên. Ý kiến này đã không “được lòng” một số người trong Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước (nay là Bộ Khoa học và Công nghệ). Vì thế mà ngay cả khi bảo vệ xong, kết quả nghiên cứu đã bị niêm phong, cất kỹ.

Chiến công vẻ vang của ngành bản đồ

Để xuất bản được Atlas, vấn đề đặt ra là cần tài chính và một hội đồng biên tập. Tuy nhiên, Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật nhà nước lại không có kinh phí dành cho nghiên cứu này.

May thay, tiến sĩ khoa học Đặng Hùng Võ, khi đó là Tổng giám đốc Liên hiệp Khoa học sản xuất trắc địa bản đồ (Cục Đo đạc bản đồ), một đơn vị hoạt động theo cơ chế thị trường, đã có ý ”cứu” Atlas. Ông Võ đã đưa ra ý tưởng đấu thầu hoặc kêu gọi tài trợ, nhờ đó vấn đề tài chính cũng được giải quyết. Một hội đồng biên tập Atlas được thành lập nhưng lại không có tên cố giáo sư Nguyễn Văn Chiển (chủ nhiệm chương trình) trong hội đồng.

Bức xúc vì người có công từ đầu không có mặt, ông Nguyễn Thơ Các dù được mời nhưng cũng không ngồi vào ghế Hội đồng biên tập. Ông Các cho rằng: “Hội đồng này được thành lập không đúng và ông Chủ tịch hội đồng hoàn toàn không có chuyên môn về bản đồ”.

Tuy vậy, với sự ủng hộ của ông Đặng Hùng Võ, năm 1996, Altlas quốc gia Việt Nam cũng được xuất bản và được coi là một chiến công vẻ vang với sự kết hợp nhiều ngành khoa học, bản đồ, in.

Cuốn Atlas được xuất bản với sự đón đợi không chỉ của các ngành trong nước mà nhiều nước trên thế giới. Có Atlas trong tay, họ có thể biết được nơi nào của Việt Nam có gì và cần đầu tư vào lĩnh vực nào.

Ông Nguyễn Thơ Các giới thiệu phần đầu của Atlas điện tử. Ảnh: Đức Long

Tuy nhiên, với cuốn Atlas khổ in 38 x 54cm không phải ai cũng có thể dễ dàng tiếp cận. Thêm nữa, các số liệu nếu không được cập nhật sẽ lạc hậu so với sự phát triển của thực tế.

Khi đó, Viện Khoa học công nghệ địa chính (nay là Viện Đo đạc bản đồ) đã đề xuất nâng cấp Atlas thành Atlas điện tử, vừa thuận tiện cho việc tiếp cận, vừa có điều kiện cập nhật số liệu.

Ông Nguyễn Thơ Các, lúc đó với vai trò là Viện trưởng Viện khoa học và công nghệ đo đạc bản đồ, tính toán để có được Atlas điện tử (thời điểm năm 1998) sẽ phải đầu tư 10 tỷ đồng.

Thế nhưng, đề án này chỉ được Tổng cục Địa chính ký duyệt cho vay theo dạng dự án sản xuất thử nghiệm với kinh phí 4 tỷ đồng, nhưng thực chất chỉ được vay 1,3 tỷ đồng, số còn lại phải tự xoay sở để làm. Đường đi của Atlas điện tử cũng chỉ được một quãng ngắn, ông Các và một số người nữa về hưu.

Atlas giúp các nhà quản lý, hoạch định chính sách có quyết định phân bố lực lượng sản xuất một cách hợp lý nhất trên lãnh thổ. Tập Atlas quốc gia Việt Nam ra đời năm 1996 là kết quả của 300 nhà khoa học đầu ngành trên cả nước trong suốt 20 năm nỗ lực lao động.

Tập Atlas bao gồm 14 chương, 114 bản đồ giới thiệu một cách tổng quan về tất cả các lĩnh vực tự nhiên, kinh tế, xã hội. Atlas gồm 163 trang, kích thước: 38 x 54 (cm). Tuy vậy, ngay cả khi đã được xuất bản, nó không được sử dụng để bố trí các dự án sản xuất một cách hợp lý nhất.

Bích Ngọc